TỰ ĐỘNG HÓA VÀ ĐIỀU KHIỂN TỰ ĐỘNG
Đối với phần lớn người bình thường không ở trong ngành chuyên môn, thì tự động hóa được hình dung qua một tập hợp máy móc bấm nút. Một số nút được ấn, một số máy hay cơ chế nào đấy khởi động vận hành những máy khác "chỉ thị" cho chúng phải làm gì, sửa những lệch lạc, phán đoán chất lượng sản phẩm xấu hay tốt và giám sát toàn bộ quy trình hoạt động.
Danh từ điều khiển tự động xuất hiện tương đối mới nhưng ý niệm về tự động hóa thì đã có từ rất lâu. Điều khiển tự động trong thực chất là một cấp độ tiên tiến của tự động hóa. Lịch sử điều khiển tự động cũng chính là lịch sử của tự động hóa.
Một người làm một chiếc bẫy sập bắt thú đã sắp đặt sẵn một cơ cấu đòn bẫy, bố trí một lực căng để tạo nên một tác động mạnh và bất ngờ trong một số điều kiện nhất định. Về một phương diện nào đó có thể xem cái bẫy như một máy tự động, còn người bẫy thú làm một công việc tự động hóa. Nhưng tự động hóa thực sự đúng nghĩa ngày nay của nó là phải bao gồm khả năng tự điều khiển, nghĩa là tự khởi động, tự điều chỉnh, tự kiểm soát chuyển động trong một chuỗi hoạt động liên tục. Và tự động hóa nhưng vậy gọi là "điều khiển tự động".
Sự vận hành của máy khoan sau đây cho thấy mức độ tự động hóa:
Ta cho máy khoan chạy. Thao tác khoan của máy là một tác động nhất định không kể đến những thay đổi bên ngòai như mũi khoan bị gãy hay khi miếng gỗ cần khoan bị lấy đi,... Bây giờ chúng ta muốn tự động hóa máy khoan này, nghĩa là máy khoan có khả năng tự điều khiển, thích ứng với tình hưống bất ngờ xảy xa như ngừng quay khi mũi khoan bị gãy, khi phôi không được nhận vào bàn khoan, khi mất an toàn,...
Một mức độ tự động hóa cao hơn là khả năng làm việc theo chương trình. Ví dụ tự điều khiển độ tiến sâu của mũi khoan theo một mẫu ấn định trước. Một bộ phận cảm biến(sensor) đo và giám định luôn đối chiếu mẫu đã chương trình hóa và nguyên công khoan đang thực hiện. Tùy theo những dữ kiện tức thời ghi nhận được, máy sẽ thích ứng với những trường hợp bất ngờ có thể xảy ra, hoặc sẽ tự động ngừng khi nguyên công đạt yêu cầu căn cứ vào tín hiệu điều khiển ngừng vào đúng lúc đáp ứng đúng kiểu mẫu hoạch định.
Việc xử lý thông tin, tạo ra lệnh điều động xung, điều khiển cơ cấu chấp hành. Khi ta thay đổi chương trình, ta có thể thay đổi toàn bộ quy trình hoạt động của máy. Ngoài ra còn có các bộ nhớ ghi các dữ liệu cần thiết để bộ xử lý trung tâm đối phó với những tình huống bất ngờ.
Kết luận: Qua bài này cho thấy rằng, một máy tự động điều khiển phải có tính chất nhận biết được một tác động trước đó để có những tác động tiếp theo, sao cho hiệu quả tác động đạt mức cao nhất. Do đó chúng ta có thể nói rằng điểm khác biệt thiết yếu giữa tự động hóa và điều khiển tự động là khả năng tự điều chỉnh(self correction) mà trong chuyên môn người ta gọi đó là khả năng phản hồi(feedback).